Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới và đạt được hiệu quả khá tốt. Song, qua thực hiện vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND.


Đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ Sáu HĐND tỉnh khóa VIII

Tại khoản 4, Điều 53 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 nêu rõ: “Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND hoặc đã gửi văn bản trả lời chất vấn cho đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với HĐND bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa, tiếp thu, ghi nhận tại kỳ họp trước. Báo cáo được gửi tới Thường trực HĐND tỉnh để chuyển đến các đại biểu HĐND chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp…”. Trong thực tiễn quy định này chưa được thực hiện. Việc trả lời chất vấn chủ yếu chỉ thực hiện tại các kỳ họp HĐND, trong một số trường hợp, Chủ tọa kỳ họp đề nghị người trả lời chất vấn trả lời bằng văn bản sau kỳ họp nếu như thấy việc trả lời tại kỳ họp chưa được thỏa đáng.

Mục đích chất vấn của HĐND là làm sao để vấn đề đem ra chất vấn và những lời hứa của người trả lời chất vấn được giải quyết trên thực tế. Đây là khâu quan trọng nhất, là mục tiêu mà đại biểu HĐND hướng tới, và cũng là điều mà cử tri mong đợi. Vì thế, việc đeo bám (giám sát) những vấn đề đại biểu chất vấn có được triển khai thực hiện hay không, hay đó chỉ là những lời hứa suông… đối với đại biểu HĐND là rất cần thiết, vì nếu như vấn đề chất vấn để quá lâu, không có phản hồi; đại biểu không đeo bám, không thường xuyên nhắc nhở, rất dễ bị bỏ quên...

Để việc chất vấn đạt hiệu quả, các cơ quan, cá nhân trả lời chất vấn tại kỳ họp trước phải báo cáo kết quả thực hiện những lời hứa của mình đến đại biểu HĐND như quy định của pháp luật.

Điều 61 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Điều 53 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 quy định: “….HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.” Thời gian qua, HĐND tỉnh chưa ra nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn vì xét thấy chưa thật sự cần thiết. Chủ yếu là sau khi chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa kỳ họp xin ý kiến của các đại biểu HĐND, nếu vấn đề nào đại biểu chưa thỏa đáng thì đề nghị người trả lời chất vấn tiếp tục trả lời bằng văn bản cho đại biểu sau kỳ họp.

Thiết nghĩ, để nâng cao trách nhiệm của người trả lời chất vấn, để vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn – những vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm; những lời hứa của người trả lời chất vấn sớm thực thi trên thực tế, HĐND cần xem xét ban hành nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn. Quy định cụ thể trách nhiệm của người trả lời chất vấn, về thời gian, lộ trình thực hiện những lời hứa, những giải pháp mà người trả lời chất vấn nêu ra, báo cáo kết quả thực hiện với HĐND. Đây cũng là cơ sở để đại biểu HĐND phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát giữa hai kỳ họp, nhằm tiếp tục đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan chức năng có liên quan. Có như vậy, thì chất vấn mới đạt hiệu quả.


Nghị quyết về việc trả lời chất vấn là cơ sở để đại biểu HĐND
phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, căn cứ tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND và những vấn đề còn bức xúc, Thường trực HĐND nêu những nội dung cần làm rõ để các đại biểu tham gia chất vấn, có thể nêu tại kỳ họp hoặc gợi ý bằng văn bản gửi cho các đại biểu chuẩn bị trước khi tham gia kỳ họp. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cần dành thời lượng thỏa đáng để đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Đại biểu cần đầu tư thời gian nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu các văn bản, tài liệu; truy cập, nắm bắt và xử lý có hiệu quả những nguồn thông tin liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội; xem xét, đánh giá và rút ra những vấn đề trọng tâm để thảo luận, chất vấn tại diễn đàn kỳ họp; đồng thời phải kiên quyết làm sáng tỏ những vấn đề bức xúc đặt ra./.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan